Ngày đăng: 08/11/2019
Chương trình hành động thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019. Việt Nam sẽ là người được hưởng lợi Hiệp định này, đặc biệt về kinh tế. Việt Nam sẽ được cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn và các thị trường mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định tự do thương mại như Canada, Mexico, và Peru …
Hiệp định CPTTP sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. CPTPP là hiệp định mở, trong tương lai có thể có thêm một số thành viên khác ví dụ Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận được một thị trường rộng lớn hơn, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Nhìn chung về tổng thể CPTPP thực thi là có lợi cho Việt Nam dự báo tác động của CPTPP với Việt Nam vào khoảng 1,3% GDP. Nếu có những mở cửa lớn hơn về dịch vụ, thì mức tăng trưởng GDP tăng thêm có thể lên tới 2,1%. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa… Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định sẽ là một thất bại.
Đó là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh trong bài phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể tại hội trường của Quốc hội khóa XIV về việc xem xét việc phê chuẩn Hiệp định những cơ hội quý giá mà Hiệp định mang lại.
Trước hết, đó là cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ; cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng.
Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ hội có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Đây cũng là cơ hội để đa phương hoá các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong đợi những tác động đáng kể về xã hội và phát triển bền vững mà Hiệp định này hứa hẹn mang lại. Việc thực hiện các yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn lao động, môi trường, phòng chống tham nhũng và minh bạch hoá… dù đòi hỏi nhiều nỗ lực và chi phí tuân thủ, nhưng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người lao động, cho xã hội, cho uy tín và thương hiệu của hàng hóa, dịch vụ “ made in Viet Nam” trong con mắt người tiêu dùng toàn thế giới.
Tuy vậy, theo ông Lộc, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được của Việt Nam còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình Việt Nam mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% (chủ yếu thuộc về các FDI). Hơn 60% còn lại, vì nhiều lí do khác nhau, đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt.
Với CPTPP, cùng với việc triển khai Chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả. Chương trình này phải ít nhất đáp ứng ba yêu cầu cơ bản.
Thứ nhất, phải bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật cần thiết không chỉ để tuân thủ các cam kết trong Hiệp định mà còn để ứng phó với các thách thức và tận dụng được các cơ hội mở ra.
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội mới chỉ liệt kê các văn bản pháp luật sẽ phải sửa đổi hay ban hành mới theo yêu cầu của Hiệp định. Điều đó là cần nhưng chưa đủ. văn bản tuy không phải do Hiệp định trực tiếp yêu cầu nhưng cần thiết phải điều chỉnh dưới tác động của Hiệp định.
Thứ hai, phải dự kiến được các phương án cụ thể Việt Nam không chỉ thực thi Hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan, không chỉ cần tuân thủ mà còn còn phải biết chủ động vận dụng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia, dân tộc.
Thứ ba, Chương trình hành động thực thi Hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn… Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại.
Theo vov.vn
Copyright © 2019 tonducmau.vn